Chuyên gia bệnh truyền nhiễm: ‘Cúm mùa không đáng lo’
Cúm hiện là bệnh thông thường tự khỏi, trừ trường hợp đặc biệt, theo tiến sĩ Ngũ Duy Nghĩa và giáo sư Nguyễn Văn Kính, hai chuyên gia về bệnh truyền nhiễm.
Sáng 20/12, tiến sĩ Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, và giáo sư Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tư vấn trực tuyến trên VnExpress.net về phòng trị bệnh cúm.
– Thưa bác! Có vắcxin ngừa cho bệnh này không ạ? (Nghiêm Thi)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Vắcxin phòng bệnh cúm mùa đã được sử dụng trên 50 năm nay trên toàn cầu, rất an toàn và có hiệu quả phòng bệnh rất cao. Vắcxin phòng bệnh cúm có thể phòng được các virus cúm mùa bao gồm cả cúm A và cúm B.
|
– Thưa bác người đã tiêm cúm trong năm thì có bị cúm lại không ạ? (Nguyễn Văn Mác Toàn)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới, Vắc xin cúm nên được tiêm phòng hàng năm. Vắc xin phòng bệnh cúm là một biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và hiệu quả nhất trong việc phòng cúm. Nếu đã được tiêm phòng cúm thì có thể phòng được. Tuy nhiên, các bệnh viêm đường hô hấp do các virut khác thì vắc xin cúm không phòng được các bệnh này.
– Mong được các chuyên gia hướng dẫn phác đồ phòng bệnh cúm cho các đối tượng người già, trẻ nhỏ trước khi giao mùa. Xin cám ơn! (Phạm Thuấn)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Để dự phòng bệnh cúm, chúng ta có thể áp dụng các biện pháp chủ động và thụ động. Phòng bệnh chủ động là tiêm vắcxin phòng bệnh. Vắcxin chống cúm hiện đều có ở các phòng tiêm vắc xin trên cả nước. Tuy nhiên, vắcxin cúm chỉ có hiệu lực phòng vệ trong vòng một năm, vì vậy hằng năm đều phải tiêm nhắc lại.
Về phòng bệnh thụ động là áp dụng các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu, bao gồm đeo khẩu trang đối với người bị ho và những người tiếp xúc với bệnh nhân cúm. Thường xuyên súc miệng mũi phòng bệnh bằng các dung dịch như nước bạc hà…
Khi gia đình có người bị bệnh cúm cần phải cách ly ở phòng riêng. Bệnh viện cần tuân thủ các biện pháp cách ly đối với những bệnh nhân cúm nặng theo đúng quy định của Bộ Y tế. Không nên tụ tập đông người khi có người mắc cúm, vì bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp. Hạn chế việc đi thăm người bệnh. Cần thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, đặc biệt là không gian sống của mỗi cá nhân và gia đình.
|
– Nhóm người có nguy cơ mắc Cúm cao hoặc có biến chứng nặng nề khi mắc Cúm là ? (Ngọc, 29 tuổi, Hà Tĩnh)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Ai cũng có nguy có mắc cúm nếu chưa có miễn dịch bảo vệ. Tuy nhiên, những nhóm người có nguy cơ mắc cúm cao hơn và dễ có những biến chứng nặng khi mắc cúm là: người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, những người bị các bệnh mãn tính, bệnh lý nền liên quan đến tim mạch, đường hô hấp, tiểu đường, những người trong tình trạng suy giảm miễn dịch như bệnh nhân HIV, phụ nữ có thai.
– Xin chào bác sĩ! Cháu bé nhà tôi được 9 tháng tuổi. Bác sĩ cho tôi hỏi tôi vừa cho cháu tiêm mũi cúm đầu tiên hôm chủ nhật (15/12) thì đến ngày (18/12) cháu có biểu hiện cúm: hắt hơi, sổ mũi, ho và sốt 38.5 độ theo cơn. Vậy những năm sau tôi nên cho cháu tiêm vào thời gian nào để vắc xin phát huy tác dụng. Hiện cháu ho, sổ mũi có đờm xanh nhạt, khi ho hay bị nôn trớ. Tôi nên chăm sóc cho bé như thế nào ạ, có nên cho uống siro ho không? Tôi xin cảm ơn bác sĩ! (Kim Nhân)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Việc tiêm vắc xin cúm sẽ có hiệu quả sau khi tiêm được 2 tuần. Vì vậy, cháu mới tiêm được 3 ngày, cháu vẫn nằm trong thời ủ bệnh từ trước và có thể phát bệnh. Cháu có biểu hiện của bệnh cúm cũng không đáng ngại vì phần lớn trẻ bị cúm mùa diễn biến thường nhẹ. Tiêm vắc xin cúm có thể phòng tránh cúm trong vòng một năm, vì vậy những năm tiếp theo chị vẫn nên cho cháu đi tiêm. Các mũi sau cách nhau một năm.
Khi cháu bị sốt, ho cần đến bệnh viện để thăm khám, tư vấn và điều trị.
– Chào bác sĩ!
Em có một câu hỏi cần sự tư vấn của bác sĩ ạ:
Em vốn dĩ bị viêm xoang mũi và viêm mũi dị ứng. Nên thời tiết thay đổi hay trời vào mùa lạnh gần cuối năm như hiện tại em dễ bị tái bệnh.
Nhưng hiện tại em lại đang mang thai được 14 tuần. Cả tuần nay em bị đau họng, sổ mũi và giờ là bị ho khan. Cổ họng vướng đàm nhiều. Hôm đầu tuần em có đi bác sĩ khám do đang mang thai nên không thể uống thuốc, bác sĩ chỉ cho thuốc xịt mũi và súc miệng. Mấy hôm nay e lại bị ho nhiều.
Cho em hỏi là có cách nào khắc phục tình trạng ho không ạ. Em sợ ho nhiều không biết có ảnh hưởng gì đến em bé không? Em cũng rất lo.
Rất mong bác sĩ hướng dẫn và tư vấn giúp ạ.
Em chân thành cảm ơn.
NTHoang. (Nguyễn Thị Hoàng, 31 tuổi, Tân Phú, Tp. HCM)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Bạn bị viêm xoang mạn tính, nên việc ho, hắt hơi, chảy mũi sẽ thường xuyên xảy ra khi thay đổi thời tiết hoặc gặp các dị nguyên. Bạn có thai đã 14 tuần thì qua được thời gian hình thành các bộ phận của thai nhi cho nên có thể sử dụng được một số loại thuốc để chống ho và chảy mũi.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc cho phụ nữ có thai cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất. Tình trạng ho của bạn không ảnh hưởng đến thai nhi. Thông thường trong trường hợp này có thể sử dụng từ các loại thuốc chống ho có nguồn gốc tự nhiên.
– Có cách nào chữa hiệu quả ngoài uống thuốc Tây cho bé không bác?
Bé nhà cháu dùng thuốc tây (thuốc đặc trị như Tamiflu) cũng không thấy đỡ nhiều ạ. (Nguyễn Hoài Nam, 26 tuổi, Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Bệnh cúm thường gây suy giảm miễn dịch, cho nên hay có bội nhiễm khi bị cúm gây ra viêm phổi, viêm phế quản, một số trường hợp có thể dẫn đến suy tạng và tử vong. Tamiflu là thuốc dùng để điều trị virus cúm chứ không có tác dụng với các vi khuẩn bội nhiễm. Vì vậy, bạn cần phải cho bệnh nhi đến khám, để bác sĩ cho kháng sinh chống bội nhiễm phù hợp.
– Bác sĩ cho em hỏi bé 6 tuổi mới chớm hắt hơi sổ mũi thì nên làm gì luôn để bé không bị chuyển viêm họng hoặc chuyển ho ạ. Em thường cho bé uống nước gừng nhưng có vẻ không hiệu quả ạ. (haibn2906, 34 tuổi)
Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Trước hết viêm mũi họng là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ. Cho nên để phòng bệnh cần luôn giữ ấm cổ cho trẻ, nhất là thời tiết chuyển lạnh. Khi trẻ bị chảy nước mũi nhiều nên sử dụng dụng cụ hút mũi để thông thoáng mũi, nhỏ mũi thường xuyên bằng nước muối sinh lý.
Nếu trẻ có kèm theo sốt cần đưa bé đến bệnh viện để thăm khám.
– Cháu chào bác sĩ ạ. Hiện nay 2 đứa con cháu (một bé 5,5 tuổi, một bé 9,5 tháng) đều bị ho, sổ mũi, nhưng không bị sốt. Bạn nhỏ thì mới tiêm phòng mũi cúm cách đây một tháng, bạn lớn chưa tiêm nhắc lại. Vậy hai bạn có thể bị nhiễm cúm không ạ. Hiện tại cháu có đưa 2 bạn đi khám rồi, đang uống thuốc theo đơn của bác sĩ ạ. Ngoài việc uống thuốc, cháu cần làm gì để 2 bé không bị nhiễm cúm ạ. Cháu cảm ơn bác sĩ và VnExpress ạ. (Nguyễn THị Trang, 31 tuổi, Sài Sơn Quốc Oai, HN)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Với các triệu chứng như hai con bạn đang mắc, có rất nhiều căn nguyên có thể gây nên tình trạng ho, sổ mũi như chứng cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên do virus.
Khi đã được tiêm phòng cúm hàng năm thì việc phòng bệnh cúm rất hiệu quả. Tuy nhiên mình không thể phòng được các loại virus đường hô hấp khác, ví dụ virus á cúm, virus adeno, virus hợp bào hô hấp…
Để phòng bệnh cúm hiệu quả, sau khi hết đợt điều trị, bạn nên hướng cháu lớn đi tiêm vắcxin phòng cúm nhắc lại. Đối với cháu nhỏ, theo phác đồ tiêm phòng cúm cho trẻ dưới 9 tuổi thì cần phải tiêm 2 mũi cách nhau một tháng thì mới đủ miễn dịch phòng bệnh. Vì vậy nếu cháu mới chỉ đi tiêm một mũi thì khi hết đợt điều trị, bạn nên đưa bé tiêm mũi còn lại.
Ngoài biện pháp đặc hiệu là tiêm vắcxin, việc phòng bệnh cúm có thể theo khuyến cáo sau:
1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày.
2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Khi có các biểu hiện sốt, đau mình, đau đầu, mệt mỏi, ho… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
|
– Thưa bác sĩ, đau mình mẩy, sốt, ho khan có phải biểu hiện của cúm A? (Hương Linh, 23 tuổi)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Đây là triệu chứng có thể gặp trong cúm A hoặc các bệnh gây nhiễm trùng đường mũi họng.
– Tôi đang mang bầu 3 tháng đầu và đang bắt đầu có biểu hiện giống cúm như đau đầu, chóng mặt, ho, hắt hơi, sổ mũi, cơ thể mệt mỏi… song tôi chưa đi khám ở đâu. Tôi nghe nói biến chứng bệnh cúm có thể gây sảy thai hoặc bệnh lý thai nhi nếu thai phụ mắc cúm trong 3 tháng đầu. Giờ tôi phải làm sao thưa bác sĩ? (Nguyễn Thúy Anh, 30 tuổi, Ngõ 124 Âu Cơ – Tây Hồ – Hn)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Bạn nằm trong nhóm nguy cơ nếu mắc cúm có thể sẽ diễn biến nặng, nên cần đến bệnh viện khám ngay để được tư vấn cụ thể.
– Bác sĩ có thể giải thích rõ hơn về vai trò, công dụng của Tamiflu được không? Việc đổ xô đi mua và lạm dụng Tamiflu có tác hại như thế nào? (Mai, 28 tuổi, Dương Khuê Hà Nội)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Thuốc này là thuốc đặc trị để điều trị cúm, có tác dụng ứng chế sự xâm nhập và nhân lên của virus cúm vào tế bào niêm mạc đường hô hấp. Tuy nhiên, do được sử dụng rộng rãi cho nên đã có một tỷ lệ nhất định kháng với Tamiflu, ở Việt Nam chiếm khoảng 12%. Bên cạnh thuốc nay còn nhiều loại thuốc khác có thể điều trị bệnh cúm như Zanamyvir.
Lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến hiện tượng kháng thuốc ngày càng tăng.
– Tôi đã tiêm phòng cúm một năm nay nhưng vẫn bị cúm. Tại sao vậy? Nếu chưa được tiêm phòng, tôi phải làm gì nếu bị phơi nhiễm virus cúm? (Mạnh, 30 tuổi, Hà Nội)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Do đặc điểm của virus cúm biến đổi liên tục nên việc tiêm phòng cúm phải thực hiện hàng năm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Nếu bạn đã tiêm phòng cúm cách đây một năm mà chưa tiêm nhắc lại thì bạn hoàn toàn có khả năng bị mắc bệnh.
Nếu bạn đã có phơi nhiễm với virus cúm thì cần theo dõi các biểu hiện cơ thể, đảm bảo giữ ấm cơ thể, thực hiện chế độ nghỉ ngơi dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo vệ sinh cá nhân. Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh như sốt, ho, đau mình mẩy… cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám và điều trị kịp thời. Đồng thời, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm cho những người xung quanh bằng cách đeo khẩu trang, che miệng khi hắt hơi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng…
– Cúm A có để lại biến chứng nghiêm trọng nào không thưa bác sĩ? (Mai Anh, 27 tuổi)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Cúm A có thể dẫn đến suy giảm miễn dịch và có thể gây ra các biến chứng do chính virus cúm hoặc do bội nhiễm vi khuẩn gây nên. Hậu quả có thể dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản nặng, suy đa nội tạng có thể dẫn đến tử vong.
– Có cách nào để phân biệt cúm mùa và cảm lạnh thông thường không thưa bác sĩ? (Nguyễn Thúy Quỳnh, 25 tuổi, Ngõ 124 Âu Cơ – Tây Hồ – Hn)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Đối với cúm, bệnh nhân thường có biểu hiện của đường hô hấp như ho, hắt hơi, chảy mũi, đau họng, nặng hơn là viêm phổi, viêm phế quản gây khó thở.
Cảm lạnh chỉ dẫn đến hắt hơi, đau họng, và có thể có chảy mũi. Phân biệt chính xác nhất là ngoáy mũi họng mang bệnh phẩm đi xét nghiệm.
– Có khi nào tiêm vắcxin phòng cúm mùa và vẫn bị bệnh với các triệu chứng của cúm không? Và tiêm chủng hai lần có thể làm tăng khả năng miễn dịch không thưa bác sĩ? (Nguyễn Thúy Quỳnh, 25 tuổi, Ngõ 124 Âu Cơ – Tây Hồ – Hn)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Các triệu chứng như ho, sốt, đau mình mẩy… là biểu hiện của rất nhiều bệnh do virus hô hấp khác nhau gây nên. Tiêm vắcxin phòng cúm chỉ phòng được bệnh cúm, không phòng được các bệnh do virus đường hô hấp khác.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên tiêm vắcxin cúm hàng năm, mỗi năm một lần. Tuy nhiên đối với trẻ dưới 9 tuổi chưa được tiêm vắcxin cúm lần nào, cần phải tiêm 2 mũi cách nhau một tháng mới đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.
– Tôi 56 tuổi có cần phải chích ngừa cúm không và đến chích ở đâu? (Hồ Hùng, 56 tuổi, 120 Tran Hung Dao, Phan thiet)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Những người trên 60 nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc cúm và diễn biến nặng do vậy bác nên đi tiêm phòng cúm hằng năm tại điểm tiêm vắcxin gần nhà bác nhất.
– Thưa bác sĩ, những đối tượng nào nên đi tiêm ngừa vắcxin cúm mùa hàng năm ạ? Tôi có con 5 tuổi và đang mang bầu bé thứ 2 được hơn 6 tháng rồi thì tôi có nên đi tiêm không? (Nguyễn Thúy Quỳnh, 25 tuổi, Ngõ 124 Âu Cơ – Tây Hồ – Hn)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Vắcxin cúm được khuyến cáo tiêm cho tất cả mọi người, với trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, các nhóm cần đặc biệt quan tâm để tiêm phòng cúm, tránh biến chứng nặng của bệnh là: người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi, người mắc các bệnh mạn tính, có các bệnh lý nền liên quan tim mạch, hô hấp, đái tháo đường, người suy giảm miễn dịch. Ngoài ra, nhân viên y tế cũng là nhóm cần tiêm phòng vắcxin do thường xuyên tiếp xúc với các nguồn truyền nhiễm.
– Cúm A có nguy hiểm hay không ? Bao giờ thì nên đưa trẻ bị cúm đến bệnh viện ạ. (Linh, 28 tuổi, Cầu Giấy Hà Nội)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Cần đưa trẻ cúm đén bệnh viện khi trẻ ho nhiều, khó thở, có thể kèm theo nôn. Trẻ li bì, mệt mỏi và sốt cao.
Cúm A thường diễn biến nhẹ, tuy nhiên có khoảng 15-20% diễn biến nặng, nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ mang thai, người già trên 60 tuổi, người mắc các bệnh majn tính như suy giảm miễn dịch, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh gan thận mạn tính…
|
– Tôi vừa tiêm phòng cúm được một ngày và cảm thấy cơ thể không được khỏe, có các triệu chứng như đau nhức, đỏ sưng nơi tiêm thuốc, hắt hơi, chảy nước mũi trong, đau đầu. Như vậy là tôi có bị cúm không thưa bác sĩ? (Nguyễn Thúy Quỳnh, 25 tuổi, Ngõ 124 Âu Cơ – Tây Hồ – Hn)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Đây là phản ứng sau tiêm vắcxin cúm. Nếu trong vài ngày tới chị có kèm theo sốt và chảy nước mũi nhiều, ho nhiều thì nên đi khám để loại trừ cúm vì mới tiêm thì chưa có miễn dịch để phòng vệ. Bởi lúc tiêm có thể đang nằm trong thời gian ủ bệnh nên có thể phát bệnh.
– Xin các bác sĩ tư vấn về vấn đề bệnh cúm cho bà bầu và trẻ sơ sinh ạ! Cảm ơn bác sĩ. (Đào khắc sơn, 29 tuổi, Yên phong bắc ninh)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Bệnh cúm là bệnh thường gặp ở nước ta nhất là vào mùa lạnh, hoặc thời tiết giao mùa sang mùa lạnh. Để phòng tránh cúm tốt nhất đi tiêm vắcxin phòng bệnh. Bên cạnh đó cần giữ ấm vùng cổ. Nếu trẻ sơ sinh chảy nước mũi nhiều cần rửa và hút mũi bằng nước muối sinh lý.
– Thưa bác sĩ, sử dụng vắcxin phòng cúm liệu có an toàn không? Vắcxin phòng cúm có gây ra tác dụng không mong muốn nào không? Và sau khi sử dụng vắcxin phòng cúm có dấu hiệu hay triệu chứng nào cần phải lưu tâm hay không? (Anh, 24 tuổi, Mai Dich Cầu Giấy)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Vắcxin phòng bệnh cúm mùa đã được sử dụng trên 50 năm trên toàn thế giới, đã cho thấy hiệu quả và tính an toàn khi sử dụng. Vắcxin được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng cho tất cả các quốc gia.
Khi tiêm vắc xin phòng bệnh cúm có thể có một số phản ứng tại chỗ như ban đỏ, sưng, đau, một số ít có thể phát hiện sốt, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ. Các phản ứng nặng rất hiếm gặp.
– Thưa bác sĩ.
Tôi bị cảm cúm nay đã 2 tuần, trong người luôn thấy nhức mỏi, ho, chảy nước mũi. Tôi đã đi khám bác sĩ cho uống thuốc nhưng đến nay chưa khỏi. Kính đề nghị bác sĩ tư vấn giúp.
Trân trọng. (Thiều Văn Long, 1961 tuổi, 157-159 Hùng Vương, phường 5, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Với triệu chứng như trên, anh đã có khả năng bị viêm đường hô hấp trên, cho nên ngoài việc uống thuốc anh cần áp dụng một số biện pháp làm thông thoáng và sát trùng mũi họng như việc rửa mũi bằng nước mũi sinh lý, súc miệng nước bạc hà, có thể sử dụng thuốc ho bằng thuốc từ thảo dược. Anh cần đi khám lại để xác dụng thêm các nguyên nhân khác.
– Thưa bác!
Cháu nhỏ nhà em vừa chích ngừa cúm xong thì 3 ngày sau bị viêm phế quản. Vậy có dùng được thuốc kháng sinh, kháng viêm không? Có ảnh hưởng gì đến hiệu quả của vắcxin cúm không ạ? (Hoàng Oanh, 34 tuổi, TPHCM)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Việc sử dụng thuốc kháng sinh và kháng viêm để điều trị bệnh viêm phế quản cho cháu hoàn toàn tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, hiệu quả của vắcxin phòng bệnh cúm sẽ bị ảnh hưởng khi sử dụng các thuốc kháng viêm steroid với liều cao và kéo dài.
|
– Cháu chào Bác sĩ! Hiện tại, cháu bị cảm cúm sổ mũi liên tục, nghẹt mũi và ho nhiều đến nỗi mỗi lần ho là đau bụng phía dưới. Nóng lạnh và nhức mỏi cơ thể. Cháu uống thuốc 4 ngày rồi mà không hết. Cháu đang có con nhỏ con sợ lây cho bé. Bây giờ cháu làm gì để hết bệnh vậy bác sĩ? (đặng ngọc quỳnh my, 34 tuổi, Pleiku, Gia Lai)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Cả hai mẹ con nên đến bệnh viện để khám, và được tư vấn điều trị.
– Chào bác sĩ!
Đang mùa dịch cúm có nên cho trẻ tiêm phòng vắcxin cúm thời gian này không ạ. Cám ơn bác sĩ. (Thu Thuy, 45 tuổi, Hoàng Mai- Hà nội)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Trẻ em là nhóm có nguy cơ cao mắc cúm mùa. Bạn nên đưa con đi tiêm phòng cúm sớm nhất có thể.
– Chào bác sĩ, tôi là nam, năm nay 43 tuổi. Tôi thường bị cúm một năm khoảng 4 lần, mỗi lần bị cúm cơ thể rất mệt mỏi, đau nhức xương khớp, nhức đầu, nhức mắt phải nằm bệt hai ngày mới đỡ và phải uống thuốc khoảng 8 ngày mới khỏi (tôi còn bị viêm mũi dị ứng). Mấy năm trước tôi cũng có tiêm vắcxin phòng cúm thì thấy bị cúm ít hơn và mỗi lần bị nhẹ hơn và nhanh khỏi hơn. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi là bệnh này có trị dứt điểm được không và tôi nên đi khám ở bệnh viện tuyến trung ương nào, đi khám lúc cơ thể bình thường hay lúc đang bị cúm? Tôi xin cảm ơn. (Nguyễn văn Đức, 43 tuổi, Duệ Nam-Nội Duệ-Tiên Du-Bắc Ninh)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Theo triệu chứng bác kể có thể bác bị viêm mũi xoang mạn tính. Để phòng cúm bác nên đi tiêm vắcxin hằng năm. Điều trị bệnh mạn tính ở đường mũi họng, bác cần đến khoa tai mũi họng của các bệnh viện gần nhất để thăm khám, nếu cần họ sẽ chuyển bác đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương để thăm khám và điều trị.
– Thưa giáo sư Kính, hiện tại cháu thấy có khoảng 3 loại vắcxin phòng cúm mùa trên thị trường gồm: GC-flu 0.5 ml (Hàn Quốc – người lớn), Vaxigrip 0.5 ml (Pháp), Influvac 0.5 ml (Hà Lan). Con cháu 34 tháng thì nên tiêm loại nào là hiệu quả nhất ạ? Cảm ơn bác. (Phạm Văn Hiển, 34 tuổi, Hà Nội)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Bạn cho con đi tiêm loại nào cũng được vì hiệu quả của các vắcxin trên là tương tự như nhau.
– Chào bác sĩ, cháu đã tiêm ngừa cúm ở Viện Pasteur nhưng rất dễ bị lại. Vậy cơ thể cháu không phù hợp với loại thuốc đó hay cháu cần tiêm thêm liều lượng ạ?
Cảm ơn bác sĩ. (Cẩm Tiên, 30 tuổi, Q7, Tp. HCM)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Việc tiêm vắcxin phòng bệnh cúm chỉ có tác dụng phòng bệnh trong vòng một năm. Để phòng bệnh cúm hiệu quả, nên tiêm phòng hàng năm, vì vậy, mỗi năm bạn cần tiêm vắcxin phòng bệnh cúm một lần. Các triệu chứng giống bệnh cúm có rất nhiều tác nhân virus khác nhau, mà vắcxin phòng bệnh cúm không thể phòng được các bệnh này, nên có thể bạn chưa hẳn bị cúm mà bị các bệnh do virus khác gây nên.
– Xin bác sĩ tư vấn cho em về thời điểm tiêm vắcxin tốt nhất là lúc nào trong năm, có cần thiết phải tiêm nhắc mỗi năm hay không, và những người lớn tuổi có cần thiết phải tiêm không ạ? (Minh Trí, 28 tuổi, 63 Lâm Đình Trúc, Phường Phú Thuỷ)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Ai cũng có khả năng mắc cúm vì bệnh này thông thường và rất dễ xảy ra vào mùa lạnh. Tiêm vắcxin cúm có thể bảo vệ tránh được bệnh trong vòng một năm nên cần phải tiêm phòng hằng năm. Thời điểm tiêm có thể bất cứ lúc nào hoặc trước khi vào mùa lạnh.
|
– Con cháu 10 tháng tuổi, đã tiêm 2 mũi vắcxin cúm vaxigrip 0,25 ml. Cháu hỏi, nguy cơ nhiễm cúm có cao không, trong giai đoạn này? (chu giang sơn, 38 tuổi, chung cư the one, KDT Gamuda)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Tiêm vắcxin cúm có thể bảo vệ không mắc bệnh hoặc bệnh chỉ ở mức nhẹ trong vòng một năm. Do vậy cần phải đi tiêm nhắc lại hằng năm.
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Việc tiêm vắc xin cúm có thể bảo vệ không mắc bệnh hoặc bệnh chỉ ở mức nhẹ trong vòng một năm. Do vậy cần phải đi tiêm nhắc lại hằng năm.
– Dạ bác sĩ cho em hỏi cách phòng tránh cúm cho trẻ 5 tuổi và khi bị mình cần lưu ý những gì? (Thu Trang, 27 tuổi, Phường Phước long B quận 9)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Biện pháp hiệu quả nhất phòng bệnh cúm là tiêm vắcxin hàng năm. Ngoài ra, bạn có thể thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo của Bộ Y tế như đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối, giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm. Khi có các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi… cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn khám và xử trí kịp thời.
– Thưa bác, em có con trai 3 tuổi, 3 tháng thì tiêm mấy mũi vắcxin cúm? Từ tháng 8 đến giờ thỉnh thoảng ốm nên chưa tiêm được, giờ cuối tháng 12 rồi có cần tiêm nữa không và hàng năm nên tiêm vắc xin cúm, tiêm đến mấy tuổi thì không cần tiêm nữa? (Phương Thảo, 41 tuổi, Hà Tĩnh)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Để phòng bệnh cúm cần tiêm vắcxin cúm hàng năm. Đối với trẻ dưới 9 tuổi mà chưa tiêm vắcxin cúm lần nào thì cần phải tiêm 2 mũi cách nhau một tháng, sau đó hàng năm tiêm nhắc lại một mũi để phòng bệnh cúm hiệu quả.
– Em xin hỏi trong trường hợp nào cần phải được điều trị với thuốc đặc hiệu cho điều trị cúm? Nếu em tiếp xúc với người mắc cúm, có thể uống thuốc để phòng lây nhiễm hay không (vì nhà em có con nhỏ, em sợ sẽ lây cho bé). Cám ơn các chuyên gia. (Phan T Nam, 37 tuổi, Hue)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Hầu hết các trường hợp cúm đều diễn biến nhẹ, chỉ một số ít các trường hợp có thể diễn biến nặng do bội nhiễm hoặc cúm nặng, dẫn đến viêm phổi nặng gây suy hô hấp, suy đa nội tạng. Theo phác đồ của Bộ Y tế, thuốc Tamiflu có thể điều trị cho trường hợp bệnh nặng, còn các trường hợp nhẹ thường tự khỏi.
Để tránh lấy bệnh cho các thành viên cho gia đình bạn nên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bị ho hoặc bạn bị ho. Thường xuyên vệ sinh mũi họng cho trẻ nhỏ để chống tắc mũi và cho trẻ đi tiêm phòng bệnh cúm.
– Xin hỏi bác sĩ, để phòng ngừa bệnh cúm ở trẻ em thì cần chích vắcxin gì? (Phạm Kỳ, 35 tuổi, Tân Bình, HCM)
– TS Ngũ Duy Nghĩa:
Đối với bệnh cúm, biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh là tiêm vắcxin cúm.
– Ngoài thuốc Tamiflu, còn thuốc nào trị hệu quả cúm mùa không? Hiện nay mua thuốc Tamiflu quá đắt mà lại khan hiếm. (Nguyễn Thúy Quỳnh, 25 tuổi, Ngõ 124 Âu Cơ – Tây Hồ – HN)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Hiện nay có khá nhiều thuốc điều trị cúm, ngoài Tamiflu còn có thuốc Zanamyvir…
Thuốc chỉ nên sử dụng cho trường hợp diễn biến nặng. Vì vậy cũng không cần mua dự trữ hoặc uống dự phòng vì hầu hết các trường hợp cúm mùa đều diễn biến nhẹ và tự khỏi. Chỉ sử dụng Tamiflu cho những trường hợp nặng và nhập viện điều trị.
– Thưa giáo sư Kính, nhờ bác sĩ tư vấn giúp: Con tôi năm nay gần 3 tuổi. Cháu vừa bị sốt co giật, đi bệnh viện thì bị viêm phế quản và cúm A/ H1N1. Bác sĩ tư vấn giúp tôi giờ con tôi đã có tiền sử về co giật thì có biện pháp phòng và có cần uống thuốc loại nào để phòng tránh cũng như chẳng may bé có bị tái co giật khi sốt. Xin chân thành cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Ngà, 32 tuổi, long biên, hà nội)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Triệu chứng chị mô tả chưa rõ ràng, những trẻ khi sốt cao thường dẫn đến co giật. Để dự phòng, sau này cháu sốt cao từ 38,5 độ C trở nên thì cần cho uống thuốc hạ nhiệt như Paracetamol và đưa ngay đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
– Thưa bác sĩ. Vợ em đang mang thai tuần thứ 7 và hiện giờ vợ em đang bị cúm. Vậy có ảnh hưởng nhiều tới thai nhi không ạ? Em xin cảm ơn. (Lê tiến, 28 tuổi)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Bệnh cúm là bệnh lây qua đường hô hấp. Cho nên trong gia đình có người bị cúm rất dễ lây cho người khác. Để tránh bị lây bệnh khi ho cần đeo khẩu trang. Thực hiện vệ sinh phòng ở sạch sẽ, giữ ấm vùng cổ, súc miệng bằng nước bạc hà và tốt nhất nên đi tiêm vắcxin phòng cúm.
– Ngoài tiêm phòng còn có cách nào phòng bệnh cúm nữa không bác sĩ? (Hồng Vân, 31 tuổi, Số 17 Duy Tân – HN)
– Giáo sư Nguyễn Văn Kính:
Bệnh cúm là bệnh thường gặp ở nước ta, đặc biệt là vào mùa lạnh, do bệnh lây lan qua đường hô hấp. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp mắc cúm thường diễn biến nhẹ và tự khỏi. Chỉ những trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng như trẻ dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, người già trên 60 tuổi hoặc người có bệnh mạn tính. Người bị cúm nặng nên đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời khi có triệu chứng của bệnh cúm hoặc sốt cao liên tục, ho nhiều, khó thở.
Dự phòng tốt nhất là tiêm vắcxin phòng bệnh cúm. Vắcxin có hiệu lực bảo vệ trong vòng một năm nên cần phải tiêm nhắc lại hằng năm.
Đây là bệnh thông thường, chúng ta không quá lo ngại và cũng không nên chủ quan, nhất là khi có những dấu hiệu bệnh nặng thì cần phải đến ngay cơ sở để khám chữa bệnh.
Xin chào và cám ơn độc giả VnExpress. Chúc mọi người luôn mạnh khỏe và thành công.