Tin tức

Hơn 1.300 tài xế bị xử phạt nồng độ cồn ở mức cao nhất

60 tài xế ôtô và 1.270 người lái xe máy bị xử phạt ở mức cao nhất về vi phạm nồng độ cồn trong 15 ngày.
Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: Bá Đô.
Cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: Bá Đô.

Ngày 16/1, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết trong nửa tháng qua, cảnh sát giao thông toàn quốc kiểm tra, xử lý gần 6.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền trên 21 tỷ đồng.

Trong số này có 60 tài xế ôtô và 1.270 xe máy bị xử phạt ở mức cao nhất về vi phạm nồng độ cồn (vượt quá 0,40 mg/lít khí thở), với mức phạt tài xế ôtô từ 35 đến 40 triệu đồng và xe máy 8 triệu đồng.

Trong số các tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, có nhiều công chức vi phạm và bị cảnh sát gửi giấy về cơ quan để xử lý. Đơn cử, Công an tỉnh Thái Bình xử phạt một Phó giám đốc Bệnh viện 35 triệu đồng vì vi phạm nồng độ cồn, tước giấy phép lái xe 23 tháng, tạm giữ phương tiện 7 ngày. Tại Quảng Bình, lực lượng chức năng cũng xử phạt một Phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện 35 triệu đồng. “Phòng Giáo dục và đào tạo đang xem xét kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền đối với trường hợp vi phạm này”, đại diện Cục CSGT nói.

Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục cảnh sát giao thông cho hay, sau 2 tuần xử phạt theo nghị định 100, tai nạn giao thông đã giảm mạnh. Cả nước xảy ra 322 vụ tai nạn giao thông, làm chết 249 người, 158 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước đã giảm 31 vụ, giảm 38 người chết, giảm 57 người bị thương.

“Toàn quốc không có vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia trong 2 tuần qua, trong khi những năm trước, thời điểm trước Tết thường có nhiều tai nạn nghiêm trọng do rượu, bia”, ông Đức nói và nhận định các quán nhậu vắng cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người dân về an toàn giao thông đã nâng lên.

Trả lời về lo ngại mức phạt cao sẽ khiến người vi phạm “chung chi” với cảnh sát giao thông, thiếu tướng Lê Xuân Đức nói hoạt động của CSGT theo kế hoạch của các cấp có thẩm quyền và chịu sự giám sát của người dân; nếu CSGT vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Hai tuần qua, Cục CSGT chưa nhận được khiếu nại về bất cứ trường hợp vi phạm nào.

Bác sỹ Gia Anh, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Việt Đức, cũng chia sẻ, mỗi năm, bệnh viên này mổ cấp cứu 10.000 ca, trong đó có 75% ca liên quan tai nạn giao thông và 60% bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu. Bệnh nhân vào bệnh viện Việt Đức thường là ca rất nặng, tỷ lệ chấn thương cao.

Hai tuần vừa qua, số vụ cấp cứu vào bệnh viện Việt Đức do tai nạn giao thông giảm hẳn, số bệnh nhân có nồng độ cồn giảm 10% trong số ca cấp cứu.

“Hàng chục năm qua, tôi chứng kiến nhiều vụ tai nạn rất đau thương, vợ mất chồng, chồng mất vợ, bố mẹ mất con. Giảm tai nạn giao thông là giảm tải cho cả ngành y tế. Chúng tôi mong rằng nghị định 100 được thực thi nghiêm túc về lâu dài”, ông Gia Anh bày tỏ.

Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế nghị định 46 năm 2016), có hiệu lực từ 1/1/2020.

Theo đó, chỉ cần có nồng độ cồn vượt mức 0, lái xe sẽ bị phạt. Mức phạt cao nhất với người đi xe đạp là 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 – 24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22 – 24 tháng.

Tin liên quan

Back to top button