Cha ông ta có câu: “Hậu đức tải vật”, ý rằng, đức dày thì có thể nâng đỡ được vạn vât, hay chúng ta có thể hiểu một cách khác, người có tài phú nhất định phải là người có đức dày. Hãy nhớ rằng, tất thảy tài phú, danh dự, địa vị đều chỉ là những thứ bên ngoài, cái gốc rễ, cái căn bản nhất của một người là đức hạnh. Và trong đó, “bách thiện hiếu vi tiên”, tức là, trăm việc thiện thì hiếu thảo với cha mẹ là đứng đầu.
Bao dung cha mẹ là bước đầu để làm người tốt.
“Chu dịch” viết rằng: “Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật”. Câu này muốn nói rằng, Thượng Thiên ban cho một người hay một quốc gia bao nhiêu vinh hoa phú quý là căn cứ ở việc họ có bao nhiêu đức hạnh. Nếu một người vốn có rất ít đức, lại không biết làm việc thiện tích đức thì người ấy không có phúc hưởng thụ. Bởi vì không có đức dày thì không thể nâng đỡ nổi khối tài phú ấy. Cho dù có được người khác ban tặng cho, cũng không hưởng nổi, thậm chí còn gây họa mà tạo thêm nghiệp.
“Bách thiện hiếu vi tiên”, điều thiện có rất nhiều, nhưng không gì sánh bằng chữ hiếu. Con người chúng ta đều là do cha mẹ sinh thành và nuôi dưỡng. Chúng ta ai cũng hiểu rằng, mỗi người cha, người mẹ đều không phải là một người hoàn hảo, đều có khuyết thiếu này khuyết thiếu khác. Tuy nhiên, đây lại là điều để rất nhiều người lấy làm lý do mà không hiếu thuận với cha mẹ mình.
Ví như có người cha tính tình nóng nảy, thô bạo, có người mẹ “nặng bên này nhẹ bên kia”, có người mẹ có quan niệm lạc hậu, có người mẹ trí tuệ thấp kém, có người còn có thân thể không được lành lặn, đủ đầy… Đặc biệt, cha mẹ khi về già thì tính tình càng khó, sinh hoạt thay đổi, bệnh tật triền miên…
Nhưng dù thế nào đi nữa, cha mẹ cũng là đối tượng đầu tiên nhất trong quá trình trưởng thành, làm người tốt của chúng ta. Mỗi người chúng ta đều phải bắt đầu từ chỗ thấu hiểu cha mẹ mà học tập cách bao dung và thương yêu.
Vô luận cha mẹ là người ra sao, chúng ta đều phải yêu thương, hiếu thuận và kính trọng họ. Một người mà ngay cả đến cha mẹ mình cũng không bao dung nổi thì khẳng định đó là người quá tính toán chi li, là “tiểu nhân” lòng dạ hẹp hòi. Người không có khí phách lớn, không rộng lượng thì sao có thể làm thành được đại sự? Cho nên, thời xưa, các vị Hoàng đế khi tuyển chọn quan viên đều phải đặt “hiếu tâm” lên vị trí hàng đầu. Khi tuyển chọn bạn bè để kết giao, người xưa cũng nhất định phải đem “hiếu tâm” đặt lên vị trí đầu tiên. Phải xét xem, con trai đối với cha mẹ có ý thức trách nhiệm hay không, con gái đối với cha mẹ có dịu hiền ngoan ngoãn hay không.
Là con cái, chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta không chỉ có nhận mà còn phải báo ơn! Còn như một người mà ngay cả cha mẹ mình cũng không bao dung được thì tương lai sao có thể bao dung được khuyết điểm của bạn đời, khuyết điểm của cha mẹ bạn đời? Thậm chí, cho dù người này ở đâu đi nữa thì nhân duyên cũng sẽ không được tốt đẹp.
Khi chúng ta là cha mẹ, vô luận con cái như thế nào, tốt xấu ra sao thì cũng đều thương yêu, nuôi dưỡng, mong muốn con có tiền đồ tươi sáng, cuộc đời hạnh phúc, bình an vô sự. Thế nhưng, đối với cha mẹ của mình mà chúng ta cũng không bao dung được thì con cái chúng ta sẽ học tập theo, “mưa dầm thấm lâu”, sao có thể bao dung được chúng ta? Sao có thể có được tấm lòng rộng lượng?
Một người không rộng lượng thì sống trên đời sẽ gặp nhiều chông gai và tiền đồ cũng không thành được. Như thế sao có thể hạnh phúc, vui sướng được? Khi chúng ta đã về già, con cái cũng trưởng thành, lúc ấy chúng ta cần con cái thì con cái cũng sẽ tính toán chi li với chúng ta. Đây kỳ thực cũng là một loại nhân quả báo ứng.
Đối đãi với cha mẹ phải tận hiếu đạo. Đây là bước đầu tiên trong tiến trình cải biến số phận của bất kỳ ai. Bởi vì chúng ta làm một người mà ngay cả cha mẹ cũng không bao dung được thì sao có thể bao dung được thiên hạ, sao có thể kết được nhiều thiện duyên?
Người mà trong lòng có hoài bão, ý chí lớn lao, muốn làm được việc lớn thì trước tiên phải bắt đầu từ việc bao dung được cha mẹ mình. Phải bao dung được khuyết điểm, sự cố chấp của cha mẹ mình, kiên trì, chu đáo chăm sóc tốt cho cha mẹ, đây cũng là bước đầu tiên trong quá trình làm người tốt của mỗi người.
* Theo trithuvn