Nỗi đau của người chuyển giới
Suốt những năm trung học, Tú Anh không có lấy một bạn thân. Ở tổ dân phố, Tú Anh là tâm điểm chỉ trích như một ca điển hình về lối sống lệch lạc.
Sinh ra với giới tính nam, nhưng đến tuổi dậy thì, Tú Anh thích mặc đồ nữ, trang điểm và có cảm tình với bạn trai, điều khiến cậu thiếu niên vô cùng hoang mang bối rối.
“Một ngày mẹ phát hiện trong tủ quần áo tôi có váy vóc, đồ trang điểm, bà rất sốc”, Tú Anh kể về ngày bí mật của mình bị lộ tẩy. “Mẹ đã khóc một thời gian dài rồi mới có thể chấp nhận tôi”.
Tú Anh, nay 27 tuổi, là một trong 300.000 người chuyển giới ở Việt Nam, đang đối mặt với các khó khăn từ việc được thừa nhận trong gia đình đến các vấn đề ngoài xã hội.
|
Rào cản về văn hóa, xã hội và pháp lý đang đặt người chuyển giới thành nhóm dễ bị tổn thương, không dám công khai mình. Nghiên cứu gần đây vào tháng 6/2019 do Mạng lưới Người chuyển giới châu Á – Thái Bình Dương, thực hiện tại Hà Nội, cho thấy người chuyển giới cảm nhận và tự xác định được bản dạng giới tính của mình ở độ tuổi rất trẻ, khoảng 12-14 tuổi. Phải đến trung bình 17 tuổi, họ mới lần đầu chia sẻ về bản dạng giới với người khác.
Trong thời gian xác định bản dạng giới của mình, nhiều người chuyển giới đã gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như căng thẳng, mất ngủ kéo dài, rối loạn lo âu. Thậm chí, họ thường có suy nghĩ về việc tự tử khá sớm và cố gắng tự tử lần đầu vào năm 15 tuổi, tức là 3 năm sau khi họ cảm nhận được sự khác biệt về bản dạng giới của mình. Khoảng 39% cho biết họ từng có ý nghĩ về việc kết liễu cuộc sống của mình. Trong số những người từng có suy nghĩ này, có tới gần một nửa số người từng cố gắng tự tử.
Hiện Việt Nam chưa có quy định pháp luật về hoạt động cung cấp và sử dụng dịch vụ nội tiết tố, phẫu thuật chuyển đổi giới tính nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn và có nhiều nguy cơ. Với những người đang tự điều trị nội tiết tố, chỉ có 37% tìm kiếm thông tin y tế trước khi bắt đầu sử dụng, 73% mua hormone từ bạn bè hay các nguồn không chính thức, 33% mua từ các nguồn trôi nổi trên mạng.
Đặc biệt, kỳ thị và phân biệt đối xử đã tăng nguy cơ khiến nhiều người chuyển giới trở thành nạn nhân của tình dục và bắt nạt học đường. Họ cũng gặp khó kiếm việc làm hơn người dị tính.
Tú Anh đi xin việc nhiều lần không được. Hầu hết các nhà tuyển dụng đều lắc đầu khi nhìn vào hồ sơ và ngoại hình khác biệt của cô. “Nhiều nơi họ tế nhị nói sẽ liên lạc lại sau, còn hầu hết là từ chối thằng thừng”, cô kể.
|
Gần 4 năm qua, kể từ khi Quốc hội thông qua dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi, 2015) cho phép người chuyển giới được quyền chuyển giới theo quy định, nhưng cộng đồng người chuyển giới vẫn chưa thực hiện được quyền của mình. Lý do là Luật Chuyển đổi Giới tính vẫn đang treo.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Y tế, những người chuyển giới đã phẫu thuật “chui” gặp khó khăn do không trùng khớp giữa các giấy tờ nhân thân và giới tính hiện có. 71% cho biết sau khi phẫu thuật, họ gặp rắc rối liên quan đến giấy tờ tùy thân, do ngoại hình thật không khớp với thông tin và hình ảnh trên giấy tờ. Thậm chí, rắc rối đến từ việc rất riêng tư như vào nhà vệ sinh công cộng nam hay nữ.
Nguyễn Kim Mai, 24 tuổi, sống tại Hòa Bình, một người chuyển giới sang nữ, cho biết cô gặp rất nhiều vướng mắc trong việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, đặc biệt là việc xử lý các giấy tờ ở địa phương.
“Tôi từng mang giấy tờ về quê xin đổi tên và giới tính. Lần đầu họ nói pháp luật chưa cho phép và lưu lại hồ sơ. Lần thứ 2, thứ 3, tôi đến thì họ nói tên của tôi đẹp rồi, tên thì phải trùng khớp với giới tính nên không đổi cho”, chị Mai kể. Với ngoại hình nữ mà giới tính trên giấy tờ là nam, chị Mai gần như bó tay mỗi khi phải viện đến tài liệu tùy thân.
Ông Quang cho biết dự luật Chuyển đổi giới tính đang chờ trình chính phủ và quốc hội để thông qua. “Luật ra đời sẽ giải quyết được các vấn đề phiền toái, từ xác định lại giới tính thế nào, cho đến giấy tờ tuỳ thân như chứng minh thư, hộ khẩu”, ông nói.
Được luật thừa nhận để sống như mọi người cũng là mong muốn lớn nhất của Tú Anh, Mai và những người như các cô. “Khi có các quy định rõ ràng chúng tôi mới được bình đẳng, có thể tiếp cận dịch vụ y tế và yên tâm chuyển đổi giới tính”, Tú Anh nói.