Pháp luật

Ông Nguyễn Bắc Son ‘không nhớ’ chi tiêu 3 triệu USD nhận hối lộ

Ông Son xin được gặp gia đình để lo sớm khắc phục hậu quả vụ án song khai không nhớ đã tiêu 3 triệu USD nhận hối lộ vào việc gì.

Giải thích việc ông Nguyễn Bắc Son sáng nay được dẫn giải tới toà song không thấy ở khu vực dành cho bị cáo, thẩm phán Trương Việt Toàn thông báo đêm qua cựu bộ trưởng mất ngủ nên xin nằm ngủ từ sáng.

15h45 bị dẫn giải vào phòng xét xử của TAND Hà Nội, ông Son cho biết sức khoẻ đã ổn định hơn. Bắt đầu trả lời thẩm vấn, ông Son nói: “Tôi xin có ý kiến, xin HĐXX cho phép tôi được gặp gia đình và luật sư để sớm khắc phục hậu quả. Tội danh tôi đã nhận nên luật sư không cần bào chữa về tội danh nữa”.

Ông cũng phủ nhận thông tin “đã hứa hẹn” đưa ông Trương Minh Tuấn lên làm Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.

Trước câu hỏi của luật sư về cuộc đối chất với con gái và đã dùng 3 triệu USD vào việc gì, ông Son khai “không nhớ tiêu tiền hối lộ vào việc gì”. Thẩm phán Trương Việt Toàn lập tức nhắc không hỏi vấn đề nhận hối lộ nữa vì bị cáo đã thừa nhận và có yêu cầu không bào chữa cho mình về tội danh này.

nguyên gốc ông Son nhận tội
nguyên gốc ông Son nhận tội

Trả lời luật sư, cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông khai dự án MobiFone mua AVG với giá 8.900 tỷ đồng đã được các Bộ Công an, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính đồng thuận nên ông có niềm tin là thực hiện đúng. Đây là lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện dự án. Ông và ông Trương Minh Tuấn từ ban Đảng chuyển sang không có kiến thức về kinh doanh, tài chính nên tin vào các bộ ngành, cơ quan tham mưu. 

Ông Son nói, nếu một trong ba bộ có phản đối, dự án sẽ không được thực hiện và Bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư cũng lúng túng nên hướng dẫn sai. 

Ông Son giải thích, thấy Bộ Công an có chức năng trong phòng chống tội phạm nên xin ý kiến. Nội dung này do Phạm Đình Trọng (Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp) soạn thảo, ông Tuấn ký để gửi. 

Sau đó, văn bản trả lời của Bộ Công an chỉ nhấn mạnh quá trình, quy trình thực hiện cần thận trọng, xác định có yếu tố an ninh văn hoá. Dự án này không thuần tuý về mục đích phát triển của MobiFone mà còn góp phần vào hệ thống truyền hình hiện đại phát triển toàn quốc, ổn định an ninh văn hoá tư tưởng. 

Ông Nguyễn Bắc Son. Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Bắc Son. Ảnh: TTXVN

Ông Son khai Bộ Tài chính trả lời với nội dung việc mua bán cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp không thuộc chức năng của đơn vị quản lý nhà nước. Bộ này xác nhận ba đơn vị thẩm định giá mà MobiFone thuê đã được cấp phép hoạt động. 

Ông Son nói đã “rất thận trọng” nên tiếp tục xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cựu bộ trưởng cho rằng do Thủ tướng chấp thuận chủ trương nên nghĩ mình đã “làm đúng”. Từ đó, ông đồng ý chuyển ông Tuấn ký quyết định cho MobiFone mua AVG. 

Theo ông Son, “khi bị thanh tra dự án mua bán này, bị cáo Trọng đã soạn văn bản để bộ trưởng Tuấn báo cáo rằng Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm đúng. Đến khi Thanh tra công bố kết luận ngày 15/3/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn có văn bản khẳng định làm đúng”.

Uỷ ban kiểm tra khi vào cuộc đã chỉ ra Bộ Thông tin Truyền thông phê duyệt dự án này không đúng. Văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính cũng không đúng. Lúc này, ông mới biết mình “ngộ nhận, dẫn đến sai phạm”. Với hành vi sai phạm trong quản lý đầu tư công, ông Son nhận đã chỉ đạo xuyên suốt từ đầu đến cuối song không phải là “chủ mưu, cầm đầu”. 

Đại diện Viện kiểm sát truy vấn: “Bị cáo có phải là người muốn thúc đẩy dự án phải thực hiện trong năm 2015 không?”. Ông Son đáp không có chỉ đạo nào phải thực hiện dự án trong năm 2015. “Tôi chỉ có bút phê theo tinh thần của Thủ tướng. Không có yêu cầu nào phải làm luôn trong năm 2015”. Ngay sau đó, VKS cho trình chiếu bút tích để chứng minh việc ông Son là người thúc đẩy thực hiện dự án trong năm 2015.

Ngày mai (19/12), tòa nghỉ làm việc để ông Nguyễn Bắc Son tiếp xúc gia đình bàn việc khắc phục hậu quả.

Tin liên quan

Back to top button