Sau khi tiêm phòng, đứa trẻ 2 tuổi lập tức bị khó thở chỉ vì sơ suất của người mẹ
Tất cả chúng ta đều biết rằng, trước khi cho trẻ đi tiêm phòng cần phải cho bác sĩ biết trẻ có từng bị dị ứng hay không, bằng không sau khi tiêm phòng có thể gây hại tới sức khỏe của trẻ.
Vào ngày mùng 1/1, cô Lưu đã đưa cậu con trai 2 tuổi đến Trung tâm dịch vụ y tế cộng đồng Trường Khánh của Bệnh viện thứ tư thành phố Vũ Hán để tiêm vắc-xin. Theo thủ tục, các nhân viên y tế đã hỏi cô Lưu rằng, con cô có tiền sử dị ứng không. Cô Lưu trả lời không có.
Thật bất ngờ, sau mười phút tiêm vắc-xin, cậu bé có triệu chứng thở gấp và sau đó bị khó thở. Cô Lưu nhanh chóng nhờ các bác sĩ giúp đỡ. Các nhân viên y tế của Khoa Cấp cứu và Khoa Nhi đã kịp thời cấp cứu cho cậu bé. Sau khi kiểm tra, phát hiện cậu bé bị xuất hiện phản ứng dị ứng sau khi tiêm vắc-xin. Các nhân viên y tế lập tức tiến hành cho cậu bé thở oxy và chống dị ứng.
Sau đó, các nhân viên y tế một lần nữa hỏi cô Lưu, trước đây con cô có tiền sử dị ứng không. Cô Lưu nhớ lại, 1 năm trước ở bệnh viện các bác sĩ cũng chẩn đoán cơ thể đứa trẻ có tính dị ứng. Vì một thời gian không để ý khiến cô Lưu đột nhiên quên, dẫn đến tình trạng không thông báo kịp thời, gần như đã làm hại đứa trẻ.
May mắn thay, sau khi điều trị khẩn cấp, đứa trẻ của cô Lưu đã giữ được mạng sống. Điều này cảnh báo cha mẹ chỉ cần sơ suất cũng có thể cướp đi mạng sống của con.
Bác sĩ nhắc nhở: Khi tiêm phòng cho trẻ cần chú ý đến những vấn đề này
Bác sĩ Vương Chí Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Cộng đồng Trường Khánh cho biết, tiêm vắc-xin có thể ngăn ngừa một số bệnh và cải thiện khả năng miễn dịch của em bé. Tuy nhiên, trước khi đưa trẻ đi tiêm phòng, cha mẹ cần phải chú ý những điểm sau.
– Đưa trẻ đi tiêm phòng, mẹ hãy chắc chắc tình trạng sức khỏe của bé tốt, ổn định. Bởi thể chất tốt bé sẽ có nhiều năng lượng, cơ thể hấp thu vắc-xin và phát huy tác dụng.
– Mẹ nên nói với bác sĩ về việc bé sinh non, nhẹ cân bởi có một số loại vắc-xin không phù hợp với cơ thể của trẻ. Nên đưa bé đi tiêm khi thực sự khỏe mạnh, sau tiêm nên theo dõi cẩn thận. Nếu xuất hiện những dấu hiệu khác thường cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
– Mẹ nên tuyệt đối tránh việc cho trẻ ăn hoặc bú quá no khi đi tiêm phòng, tuy nhiên cũng không nên để trẻ đói. Bởi sau khi tiêm, bé thường khó chịu trong người, khóc nhiều hơn. Lời khuyên là cho bé ăn lót dạ trước lúc tiêm 30 phút.
– Tốt nhất là mang theo sổ tiêm chủng của trẻ trước khi đến bệnh viện để tiêm phòng. Cha mẹ phải phản ánh tình trạng thể chất của trẻ với bác sĩ tại thời điểm tiêm vắc-xin cho trẻ, nếu trẻ bị dị ứng mẹ nên thông báo trước cho bác sĩ bởi một số loại vắc-xin có thể không thích hợp để tiêm.
– Mẹ hãy nhớ quan sát biểu hiện của trẻ sau khi tiêm 30 phút xem có điều gì bất thường không. Tuyệt đối không cho trẻ uống sữa hoặc ăn bất cứ thứ gì trong thời gian này, nếu thấy dấu hiệu bất thường phải đưa bé tới cơ sở y tế kiểm tra.
– Trẻ sốt nhẹ kèm biểu hiện buồn ngủ là điều bình thường mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài và có những dấu hiệu bất thường khác mẹ phải đưa con tới gặp bác sĩ ngay.
– Để vết tiêm không bị vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng mẹ nên vệ sinh cá nhân cho trẻ cẩn thận. Tránh tác động trực tiếp hoặc để nước tiếp xúc vào vết tiêm của trẻ.
– Những ngày thời tiết lạnh khi đưa con đi tiêm mẹ nên mặc ấm cho trẻ, bởi trẻ nhỏ sức đề kháng kém dễ cảm lạnh hoặc mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Theo Hà Vũ (dịch theo Sohu) (Khám phá)