Giáo dục

Thầy giáo đi ‘bắt’ học sinh mỗi ngày

Mỗi ngày, thầy Đoàn Văn Hồng, 23 tuổi, đi 30-40 km vào những bản sâu của xã Hừa Ngài (Mường Chà, Điện Biên) để “bắt” học sinh, đưa các em đến trường.

Chở theo hai học sinh chân đất, mặt mũi lấm lem, thầy Đoàn Văn Hồng, quê Ninh Bình, giáo viên trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài, dựng xe trước cửa khu ký túc xá của giáo viên khi đồng hồ đã chỉ gần 9h tối.

Nếu không được giới thiệu, ít người có thể đoán thanh niên nhỏ nhắn đang đưa hai học sinh lớp 4 đi rửa chân tay, mặt mũi kia lại là thầy giáo chủ nhiệm của các em. “Ở đây không có tục bắt vợ mà chỉ có bắt học sinh”, thầy Hồng đùa.

Thầy giáo Đoàn Văn Hồng. Ảnh: Thúy Quỳnh
Thầy giáo Đoàn Văn Hồng. Ảnh: Thúy Quỳnh

Sinh ra và lớn lên tại Ninh Bình, năm 2014 Hồng nộp nguyện vọng thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Thái Nguyên nhưng không đỗ. Quyết tâm theo đuổi sự nghiệp “gõ đầu trẻ”, Hồng nộp hồ sơ vào Cao đẳng Sư phạm Cà Mau vì còn đợt tuyển và có người thân trong đó.

Xa gia đình đến gần 2.000 km, Hồng nhớ mãi kỷ niệm khi làm mất điện thoại trị giá hơn 3 triệu đồng. “Lúc đó, mình không dám nói với bố mẹ vì dành dụm mãi mới mua được, đành đi làm thêm kiếm tiền mua lại”, Hồng kể.

Ngoài thời gian đi học, Hồng xin làm tại các quán nhậu từ 5h chiều đến 1h sáng hôm sau, lương được hơn một triệu một tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, Hồng dành dụm được mỗi tháng vài trăm nghìn, sau 5 tháng mới đủ tiền mua chiếc điện thoại cũ giá hơn 2 triệu đồng để gọi điện về gia đình.

Tốt nghiệp, Hồng nộp đơn thi viên chức ở Cà Mau nhưng không đạt nên trở về Ninh Bình. Bố mẹ khuyên xin làm công nhân khu công nghiệp gần nhà, nhưng Hồng không đồng ý, muốn được đứng lớp dạy chữ cho học sinh. Nghe nói “vùng cao thiếu giáo viên, dễ xin việc”, Hồng quyết định chọn Điện Biên.

Gia đình Hồng khi đó rất căng thẳng. Dưới Hồng chỉ có em gái đang học lớp 12, bố mẹ không cho Hồng đi vì “xa xôi, lỡ ốm đau không biết gọi ai”. “Con lên giúp đỡ người ta, xem TV thấy nhiều người khổ quá. Bố mẹ giờ vẫn còn khỏe, con lên vài năm khi bố mẹ có tuổi thì về”, chàng trai động viên người thân.

Đầu năm 2018, Hồng gói ghém mấy bộ quần áo, chuẩn bị cho hành trình lên mảnh đất cực Tây Tổ quốc, bỏ lại đằng sau những câu nói Mày lo thân mày đi, ốc không mang nổi mình ốc thì giúp được ai của người quen.

Thầy Đoàn Văn Hồng trong một giờ lên lớp. Ảnh: Thúy Quỳnh
Thầy Đoàn Văn Hồng trong một giờ lên lớp. Ảnh: Thúy Quỳnh

Nằm sâu trong bản Há Là Chủ, xã Hừa Ngài và lọt thỏm giữa những dãy núi cao hơn mặt nước biển 700 m, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài đón Hồng vào một buổi sớm tháng 4. Không giống với tưởng tượng sáng dạy học, tối soạn giáo án, nhiệm vụ đầu tiên của Hồng là đi tìm học sinh.

6h sáng, một tiếng rưỡi trước giờ vào lớp, thầy giáo Hồng đi bộ đến những bản gần, cách trường 3 km để gọi học sinh. “Phải đi sớm để kịp giờ học và tránh việc các em đi chăn trâu, chăn bò trên nương”, thầy Hồng giải thích.

Không “bắt” được học sinh buổi sáng, tan học lúc 5h chiều thầy giáo lại chạy xe máy chừng 15-20 km đường đồi núi tìm đến nhà các em. Nhiều học sinh thấy xe máy là trốn biệt nên thầy giáo phải dựng xe ở đầu bản rồi đi bộ vào từng nhà dù mỗi nhà cách nhau cả quả đồi. Tìm được học sinh nào, thầy giáo xin phép bố mẹ các em đưa lên xe, vượt 15-20 km đường đất về trường lúc 9h tối.

Sau những ngày đầu tiên đi tìm học sinh, thầy giáo trẻ đã muốn bỏ về xuôi vì mệt mỏi, nhất là phụ huynh, học sinh không hợp tác, thậm chí xua đuổi và mắng chửi. Những ngày mưa, con đường đất chỉ rộng 30 cm trơn tuột, nước từ trên đồi chảy xuống như thác, sẵn sàng quật ngã thầy giáo miền xuôi.

Năn nỉ phụ huynh cho con đi học, nhưng thầy Hồng thường xuyên nhận được những cái lắc đầu, xua tay cùng câu nói “chi-pâu, chi-pâu” (về đi, về đi). “Họ đuổi như đuổi tà, có người còn chửi. Có lần mình tủi thân phát khóc nhưng mình không dám để họ biết, kiên quyết đưa học sinh trở lại trường”, thầy Hồng kể.

Không biết tiếng H’Mong, câu mà thầy Hồng thuộc và thích nhất là “Can tù mùng cẩn tớ” (ngày mai đi học nhé) vì “nó giúp tương lai của các em tươi sáng hơn”. Những ngày thầy Hồng hạnh phúc nhất là lớp học không vắng ai.

Thầy Hồng đi bộ, tìm học sinh đưa về trường. Ảnh: Thúy Quỳnh
Thầy Hồng đi bộ, tìm học sinh đưa về trường. Ảnh: Thúy Quỳnh

Ngoài giờ lên lớp, thầy giáo qua khu vực học sinh ăn, ngủ để giúp các em ôn bài, nhắc nhở sinh hoạt điều độ. Thời gian đầu, thầy còn ngại khi phải tắm cho trò, nhưng khi đã quen việc, thấy trò lấm lem thầy giáo lại xắn tay vào làm.

Thầy giáo trẻ từng xót xa khi học trò chia nhau ngấu nghiến ăn gói mì tôm chẳng có gì. Thầy cũng từng ức chế và bực bội khi giảng mãi các em không hiểu, nói nhiều lần không nghe, thích gì là làm theo cách sống hoang dã.

Nhưng với thầy, học trò luôn ngây thơ và tình nghĩa. Có quả mận, quả đào các em đều mang tặng thầy. “Càng ở, càng thương tụi nhỏ. Chính tình cảm của học trò khiến mình muốn gắn bó với các em thật lâu”, thầy Hồng nói.

Hiện tại, thầy Hồng đã được vào viên chức và chủ nhiệm lớp 4A2 có 29 học sinh. Vì chưa lập gia đình, thầy ở trong ký túc xá dành cho giáo viên nằm trong khuôn viên trường, mỗi năm về thăm nhà ở Ninh Bình 1-2 lần.

Nhiều lúc thấy bạn bè đăng ảnh du lịch, được ở gần bố mẹ, thầy giáo không khỏi tủi thân vì cuộc sống của mình chỉ quanh quẩn với bản trường, núi đồi trải dài và hành trình vận động phụ huynh cho con đi học. “Những lúc như vậy phải tự an ủi mình rằng công sức bỏ ra là xứng đáng vì mang chữ cho trẻ em”, thầy giáo nói.

Thầy Nguyễn Thế Điệp, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài, bày tỏ sự trân trọng với công sức và sự hy sinh của thầy giáo miền xuôi. “Là người trẻ nhất trường, thầy Hồng rất cầu tiến, yêu nghề, có trách nhiệm với học sinh. Tôi tin tưởng thầy Hồng sẽ tiếp tục gắn bó với trường Tiểu học Hừa Ngài thêm nhiều năm nữa”, thầy Điệp nói.

Thanh Hằng – Vnexpress

Tin liên quan

Back to top button